HOA CỦA NGƯỜI HÀNG XÓM

Lam Khê

 

 

Người láng giềng mang về  chậu hoa hồng đặt bên ngoài lan can, cạnh hai chậu hoa nhỏ có lá màu tím hình cánh bướm mà đám trẻ gọi là hoa bướm. Hoa bướm cao lêu nghêu cứ đung đưa mấy sợi tơ trời ngả nghiêng theo chiều gió.

 

 

Người láng giềng và tôi sống cùng trên một tầng gác có vách ngăn đôi. Suốt hai năm lên xuống chung một cầu thang, một lối đi nhỏ phía ngoài, nhưng bất đắc dĩ lắm mới phải mở miệng nói với nhau vài câu, còn thì đường ai nấy bước, phòng ai nấy về. Và lẽ tất nhiên chưa bao giờ chúng tôi tặng cho nhau một nụ cười để gọi là giữ tình thân hảo xóm giềng sớm hôm chung ngõ...

Người hàng xóm của tôi thuộc loại người… bất khả thuyết. Từ bà tổ trưởng tổ dân phố, cho đến đứa bé mới bập bẹ biết nói… hễ nghe đến tên cô là phát hoảng. Người ta sợ không phải vì cô có uy quyền thế lực… mà bởi cái bản chất sân si dữ dằn hay chửi bới người hết sức tùy tiện vô cớ. Công việc của cô là giữ chìa khóa mở đóng cổng cho cả khu nhà tập thể. Những ai đi sớm về khuya hay có chuyện ra ngoài sái giờ quy định đều bị cô nổi xung thiên mắng mỏ bằng đủ loại ngôn từ khó nghe. Dù không thoải mái nhưng ai nấy cũng ráng chiều lòng cô cho yên việc lẫn yên chuyện. Có người tỏ ý thương hại. Có người xuề xòa cho rằng cô không được bình thường nên không thèm chấp. Tôi thì giữ thái độ mặc nhiên không cười không nói và tránh đi lại những giờ khắc trái thời để khỏi mang phiền lụy vào thân. Thấy mọi người sợ hãi kiêng nể mình quá, cô đâm ra lấn lối để tỏ rõ ta đây là người có quyền uy tối thượng...

Chậu hoa nằm chếch ngang cửa phòng tôi. Mỗi sáng mở cửa, nhìn mấy bông hoa đỏ thắm tươi xinh, tôi chợt nhớ lâu rồi mình không còn cái hứng thú được ngắm hoa. Trước kia, khi mấy dãy nhà cao tầng chưa xây lên, xung quanh chỗ tôi ở cũng có nhiều cây xanh bóng mát. Trên các ngõ qua lại các dãy hành lang, trên bậu cửa, sân thượng… nơi đâu cũng hiện diện vài ba chậu lan, xương rồng, hoa sứ… Người ta còn trồng cả nha đam, cải rổ… Mỗi cây mỗi sắc, góp thành một chuỗi hương hoa làm mát dịu suốt những ngày hè oi ả. Nhưng rồi, khi phong trào nhà cao tầng rầm rộ phát triển, thì mọi khoảng xanh còn lại của bầu trời bị chiếm đoạt che chắn gần hết. Hoa không còn. Mấy cây mận cây tùng phủ lá trước ngõ chùa cũng biến đâu mất. Lâu dần, tôi quen dần với sự việc ngắm nhìn mấy bức tường cao ngất ngưởng để ước lượng giá trị cho mỗi công trình mang tầm vóc thời đại.    

Buổi sáng tôi thường ra góc hành lang sưởi nắng, thấy cô tỉ mỉ bên chậu hoa thì buột miệng khen hoa đẹp. Cô ngước lên, thoáng nhìn tôi… rồi cúp mắt xuống cười nụ. Tôi cũng cười, lòng tự nhủ: Nếu hằng ngày cô cứ tươi cười với mọi người như thế thay vì chửi bới thì cuộc sống đời người có ý vị biết bao. Nhưng mà biết đâu chừng… cô đang nắm giữ một sứ mạng mà người ta thường nói là thử thách lòng chịu đựng của tha nhân. Cả khu nhà tập thể gần như cùng hành trì theo pháp môn nhẫn nhục. Nhẫn mãi rồi thành quen. Đã quen nên khi nghe những lời cô chửi mắng chẳng khác gì nghe một giai điệu lạ lẫm êm tai. Kể ra như vậy cũng tránh được những lời qua tiếng lại không đáng.

Từ khi có thêm chậu hoa, người hàng xóm cũng có đôi chút tư duy thay đổi. Sáng chiều cô ra tưới hoa, ngồi săm soi vạch lá tìm sâu, có khi ngoảnh cổ nghiêng đầu ngắm nghía mấy bông hoa bé xíu ra chiều thích ý. Người yêu hoa. Hoa tác động lòng người, nên cái dáng vẻ khắt khe khó chịu thường ngày của cô chừng như giảm bớt. Mà cái kiểu chăm hoa của cô thật khác người… cứ y như bà mụ chăm sóc cho đứa trẻ sơ sinh. Cô nâng niu cành hoa nhỏ bé bằng đôi tay dịu dàng, bằng ánh mắt chứa chan niềm xúc cảm và bằng cả tấm lòng quý yêu trân trọng.

 

“Cành hoa là tứ đại

Mà tỏa hương tinh thần.

Mắt em là tứ đại

Mà rạng ngời yêu thương…”.

 

Dưới ánh nắng mai, thoang thoảng một làn hương dịu nhẹ. Làn hương tinh thần. Mặt người dưới hoa thì rạng ngời như soi cả hồn hoa vào tận đáy lòng. Ý thơ và cảnh tượng ảnh hiện một điều rất thật. Cái thật và cái đẹp mong manh của bông hoa, phần nào phản ảnh tính cách bất thường của người hàng xóm. Lát nữa đây khi rời khỏi mấy chậu hoa yêu quý của mình, cô sẽ trở về với bản chất hung hăng cố hữu. Hình ảnh đẹp mà tôi và mọi người chứng kiến rồi sẽ tan biến như chưa từng hiện hữu. Ôi! Tội nghiệp cho những bông hoa bé nhỏ. Sắc hương là vậy mà vẫn chưa thể lay chuyển được lòng người trong nẻo u minh.

Chơi hoa cũng là cách để chuyển tải ý đạo. Người xưa đã nói và sống như thế. Người hàng xóm của tôi chắc là không có khái niệm gì về hoa đạo. Và những người đến với cô cũng chỉ mong muốn tạo chút hòa khí yên bình trong khu phố. Cảnh vật và tình người thẫm vẻ lung linh như một bức tranh siêu thực. Nhìn thấy cô cắm cúi bên chậu hoa, ai đi ngang qua cũng dừng lại trò chuyện hỏi han đôi câu. Có người còn nhiệt tình chỉ vẽ cô điều này điều nọ. Có người mang cho cô cả một lô đĩa nhạc và băng giảng pháp để cô thưởng thức lúc rỗi rảnh… Dưới mắt mọi người, cô không còn là một hung thần nóng nảy phải tránh xa, mà là một con người cần an ủi giúp đỡ. Ai cũng muốn làm thiện tri thức của cô. Ai cũng thích nói với cô vài lời để giúp cô bớt đi cái vẻ khắc khổ tẻ nhạt. Cô đón nhận sự tử tế của mọi người cũng tự nhiên như hoa cỏ mùa xuân đón nhận trận mưa rào phủ xanh êm ả.

Tôi tự xét mình cũng có phần khắt khe cố chấp. Lâu nay tôi luôn cho cô là hạng người không đồng điệu nên chẳng muốn giao tiếp, dù chỉ một nụ cười xã giao chiếu lệ. Người trong khu phố hơn hẳn tôi về điểm này. Từ khi có chậu hoa, tâm hồn tôi cũng rung cảm theo làn hương tĩnh lặng nên thầm tri ân sự hiện diện của hoa và người chơi hoa. Những lúc vắng tiếng la lối của người hàng xóm, cảm giác bình yên làm sống dậy bao nguồn cảm hứng miên man. Chỉ cần một giây phút bình yên như thế thôi cũng đủ để ta suy ngẫm và nuôi dưỡng đạo tâm cho cả một quãng đời đi tới.

 

Trong sự tịch mịch của ngày mới, tôi ngồi bên bàn viết yên lặng ngắm hoa và hít thở thật sâu. Dư vang của cuộc sống đang bắt đầu. Lòng người xa thẳm là vậy mà cũng gần gũi biết bao. Trên lối qua lại hành lang bây giờ không chỉ có hoa mà còn có những nụ cười. Những bông hoa mang đến sự tỉnh thức và những nụ cười mang lại niềm tin tưởng bình yên cho cuộc sống.

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 04/01/10