TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
THÁNG 01.2020
Diệu Âm lược dịch
NHẬT BẢN: Quét dọn bụi của cả năm tại 2 ngôi chùa ở Kyoto
Kyoto, Nhật Bản – Ngày 20-12-2019, theo một truyền thống thường niên có từ 500 năm trước, các tín đồ đã quét dọn bụi bặm của cả năm tại 2 ngôi chùa Nishi-Honganji và Higashi-Honganji.
Tại chùa Nishi-Honganji ở phường Shimogyo, việc dọn dẹp bắt đầu sau khi sư trưởng 42 tuổi Kojun Otani khua cây chổi dài khoảng 4 mét. Các tín đồ và chư tăng đập những tấm nệm sàn trong chánh điện, dùng những gậy tre để hất bụi lên không trung. Một chiếc quạt khổng lồ được dùng để quạt bay bụi đi.
Tại chùa Higashi-Honganji ở cùng phường, các tín đồ làm việc cạnh nhau khi đập bụi nệm sàn. Một vị sư trưởng của chùa là Choken Otani, 89 tuổi, đã kết thúc buổi quét dọn này bằng cách dùng một gậy tre viết chữ “Kotobuki”, nghĩa là “chúc mừng”, lên không trung.
(tipitaka.net – January 1, 2020)
![]()
![]()
Phật tử quét dọn bụi của cả một năm tại chùa Nishi-Honganji ở Kyoto
Photos: Yoshiko Sato
HOA KỲ: Đức Đạt lai Lạt ma có tên trong số những người đàn ông được ngưỡng mộ nhất năm 2019: Cuộc thăm dò của Gallup
Đức Đạt lai Lạt ma, nhà lãnh đạo Tây Tạng lưu vong và là nhân vật Phật giáo quan trọng nhất, nằm trong số 10 người đàn ông được ngưỡng mộ nhất ở Hoa Kỳ trong năm thứ 9 liên tiếp.
Đức Đạt lai Lạt ma, 84 tuổi, được xếp hạng thứ 9 trong năm 2019 từ một cuộc thăm dò công khai được thực hiện bởi công ty Gallup ở Washington, nổi tiếng về các cuộc thăm dò dư luận trên toàn thế giới.
Cuộc thăm dò này được thực hiện trong số 1,000 người trưởng thành ở Hoa Kỳ.
Đức Đạt lai Lạt ma là một nhân vật tâm linh và hòa giải được kính trọng tại Hoa Kỳ và những nơi khác. Ngài đã được trao giải Templeton vào năm 2012 tại Hoa Kỳ và Giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1989 vì sự ủng hộ tích cực của ngài cho hòa bình.
(NewsNow – January 1, 2020)
ẤN ĐỘ: Diễn viên Mỹ Richard Gere tham dự buổi thuyết pháp của Đức Đạt lai Lạt ma tại Bồ Đề Đạo Tràng
Diễn viên người Mỹ Richard Gere đã đi theo con đường tâm linh để chào đón năm mới khi ông tham dự một buổi thuyết pháp của Đức Đạt lai Lạt ma tại Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên nam diễn viên phim “Người đàn bà đẹp” đến thăm Ấn Độ và tham dự một buổi pháp giảng như vậy.
Người ta thấy nam diễn viên 70 tuổi này đắm mình trong những lời cầu nguyện sâu sắc, lắng nghe tiếng tụng kinh trong cảnh quan này trong suốt buổi thuyết pháp.
Sau đó Gere tiếp xúc với các tín đồ khác và hòa nhập với các thiện hữu, những người rất hào hứng khi gặp gỡ ngôi sao Hollywood này.
(ANI – January 4, 2020)
Diễn viên điện ảnh Mỹ Richard Gere (ảnh trái) và Gerald Butler (ảnh phải) đón năm mới 2020 tại Ấn Độ
TÍCH LAN: Tổng thống và Thủ tướng tham dự hội nghị Đại Tăng đoàn Vibhajjavada
Hội nghị Đại Tăng đoàn Vibhajjavada được tổ chức để tiếp tục duy trì Phật pháp và tặng các bản kinh Tam Tạng cho 5,000 tu sĩ. Hội nghị này diễn ra vào ngày 4-1-2020 tại sân vận động trong nhà Sugathadasa. Lễ bế mạc được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa vào tối ngày 5-1.
Sự kiện này bao gồm các bài diễn văn và thảo luận mở rộng với dự tham gia của Đại Tăng đoàn thông thái để thảo luận về các cách thức và phương tiện nhằm bảo tồn giáo lý nguyên thủy của Đức Phật.
Tổng thống và Thủ tướng đã tặng Đại Tăng đoàn các phù hiệu Tam Tạng kinh. Bản “Kế hoạch 10 năm” để phát huy Phật giáo và bản đề nghị thành lập “Quỹ tài trợ Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy” để cung cấp miễn phí các văn bản Tam Tạng kinh cho chùa chiền trên toàn quốc cũng đã được trình bày với Tổng thống và Thủ tướng.
(news.lk.com – January 5, 2020)
Hội nghị Đại Tăng đoàn Vibhajjavada tại sân vận động trong nhà Sugathadasa, Colombo (Tích Lan)
Photo: businessnews.lk
ÚC ĐẠI LỢI: Hiệp hội Nữ Phật tử Úc Sakyadhita gây quỹ giúp nạn nhân cháy rừng
Hiệp hội Nữ Phật tử Úc Sakyadhita Úc đã ra mắt một cổng thông tin cho mọi người trên thế giới để gây quỹ giúp những người bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng tàn khốc năm nay. Các vụ cháy rừng 2019-2020 này có cường độ lớn vượt, giết chết 25 người. 500 triệu động vật và phá hủy hơn 1,500 ngôi nhà.
Hiệp hội Nữ Phật tử Úc Sakyadhita là một chi nhánh của Hiệp Hội Nữ Phật tử Quốc tế, được thành lập vào năm 1987 tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ để hoạt động vì lợi ích của nữ Phật tử trên khắp thế giới. Tổ chức này hiện có gần 2,000 thành viên tại 45 quốc gia trên toàn thế giới, thu hút cả tín đồ và tu sĩ cùng đến với nhau mỗi năm qua các hội nghị và hợp tác.
(Buddhistdoor Global – January 6, 2020)
Cháy rừng tại Úc
Gấu Koala gặp nạn do cháy rừng
Photos: gofundme.com
ĐÀI LOAN: Hội Từ Tế Đài Loan tặng đồ dùng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Đài Bắc, Đài Loan - Ngày 10-1-2020, Hội Phật giáo Từ Tế thông báo rằng hội đã bắt đầu phân phối các nguồn cung cấp từ thiện đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp Đài Loan.
Tổ chức nhân đạo phi chính phủ này có kế hoạch tổ chức 43 bữa tiệc tối trước Tết Âm lịch cho các gia đình có thu nhập thấp hơn được tận hưởng tinh thần ngày lễ này.
Hội Từ Tế cho biết rằng thay vì tặng những túi quà Tết 5-kg, các gia đình sẽ nhận những phiếu quà tặng, cho phép họ mua các nhu yếu phẩm hàng ngày (ngoại trừ thuốc lá hoặc rượu) từ các siêu thị.
Có khoảng 21,000 gia đình sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Và các hội viên Từ Tế cũng đã chuẩn bị những gói bột mì, mì chay và cháo ngọt cho người nhận để chia sẻ niềm vui của Tết Nguyên Đán.
(Taiwan News – January 10, 2020)
Họi Từ Tế tổ chức các bữa tiệc tối cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Photo: Từ Tế
PAKISTAN: Lễ hội Gandhara để thúc đẩy du lịch tôn giáo
Chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (KP) sẽ tổ chức Lễ hội Gandhara vào tuần đầu tiên của tháng 4 để thu hút các quốc gia Phật giáo về di sản hàng thế kỷ của họ nằm rải rác trong tỉnh này.
Bên cạnh việc sắp xếp các chuyến tham quan khoảng 20 di tích Phật giáo tại KP cho khách quốc tế tham gia lễ hội, nghệ thuật Gandhara cũng sẽ được trưng bày để thu hút sự chú ý của du khách đối với di sản của họ - mà nay thuộc quyền sở hữu của đất nước Pakistan.
Lễ hội sẽ giúp tỉnh KP thu hút đầu tư nước ngoài và nội địa vào lĩnh vực du lịch, và các quốc gia Phật giáo có thể đóng vai trò nòng cốt trong việc nâng cấp các địa điểm linh thiêng của họ trải khắp tỉnh. Chính quyền KP đã dành 1 tỷ rupee trong ngân sách hiện tại để nâng cấp và bảo tồn các địa điểm tôn giáo nằm rải rác trong tỉnh.
Hiện nay KP sở hữu khoảng 6,000 di tích tôn giáo được ghi nhận, và chính quyền tỉnh đang tập trung vào việc duy trì 20 di tích có tầm quan trọng lớn.
(thenews.com.lk – January 8, 2020)
AFGHANISTAN: Ghép lại các tượng Phật từ hơn 7,500 mảnh vỡ tại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan
Các nhà nghiên cứu từ Viện Đông phương của trường Đại học Chicago Hoa Kỳ đang làm việc với các nhà bảo tồn từ Bảo tàng Quốc gia Afghanistan để sửa chữa một số mô tả hình thể đầu tiên của Đức Phật, vốn bị phá hủy vào năm 2001 khi Taliban đập vỡ tan tành các bức tượng tôn giáo tại bảo tàng này.
Được đài thọ bởi các khoản tài trợ từ Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nhóm nghiên cứu đang cẩn thận ghép lại các bức tượng từ hơn 7,500 mảnh vỡ đã được lưu giữ trong các rương ở tầng hầm của bảo tàng sau sự tàn phá của Taliban.
Nhiều bức tượng đến từ địa điểm khảo cổ Phật giáo-cổ Hy Lạp Hadda ở Afghanistan. Hadda có niên đại từ vùng Gandhara cổ xưa, là một nút chính của Con đường Tơ lụa nối liền Ấn Độ, Trung Hoa với thế giới Hy Lạp và Ba Tư. Số tượng này có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, bao gồm các tác phẩm điêu khắc đứng cũng như các nhóm tượng có kích thước từ 2 m đến chỉ vài cm.
(Buddhistdoor Global – January 10, 2020)
Các tượng Phật được ghép từ hơn 7,500 mảnh vỡ tại Bảo tàng Quốc gia Afghanistan
Photos: uchicago.edu
ẤN ĐỘ: Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ 4 tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat
Gujarat, Ấn Độ - Tại Ahmedabad vào ngày 12-1-2020, một hội nghị Phật giáo quốc tế kéo dài ba ngày, được tổ chức theo chủ đề hòa bình, di sản và đoàn kết, đã được khai mạc bởi Phó hiệu trưởng Đại học Gujarat, ông Himanshu Pandya, và một tu sĩ Phật giáo từ Miến Điện, Mahendra Thero.
Cháu nội trai của cố Tiến sĩ/ nhà luật học B R Ambedkar, Bhimrao Ambedkar; Tổng Giám đốc Cảnh sát, Anil Pratham; Diễn viên Kannada Chetan Kumar và khoảng 100 nhà sư Phật giáo từ Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ đã tham dự lễ khai mạc tại Hội trường Ban Giám đốc của Đại học Gujarat.
Đây là Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ 4 được tổ chức bởi Hội Sanghakaya, phối hợp với Đại học Gujarat, nhằm quảng bá và làm hồi sinh văn hóa Phật giáo tại bang Gujarat.
(indiaexpress – January 13, 2020)
Khoảng 100 nhà sư Phật giáo từ Châu Á, Châu Âu và Châu Mỹ đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Phật giáo Quốc tế lần thứ 4 tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat (Ấn Độ)
ẤN ĐỘ: Ưu đãi Du lịch Năm Mới của Tổng công ty Du lịch và Cung ứng Đường sắt Ấn Độ ( IRCTC)
New Delhi, Ấn Độ - IRCTC Du lịch đã đưa ra một khuyến mại cho Tàu du lịch mạng mạch Phật giáo vào dịp năm mới.
Theo ưu đãi này, nếu bạn trả tiền cho một người thì người đồng hành của bạn sẽ chỉ phải trả 50%. Điều này có nghĩa là khi đặt vé trả đủ cho người lớn đầu tiên, thì người lớn thứ hai cùng đi sẽ được giảm 50% tiền vé người lớn.
Đây là một tour du lịch 8-ngày và đã bắt đầu vào ngày 28-12- 2019. Chuyến tàu tiếp theo sẽ bắt đầu vào ngày 25-1- 2020.
Ưu đãi trên có sẵn cho các chuyến khởi hành vào các ngày 25-1, 8-2, 22-2, 14-3, 28-3- 2020.
Chuyến đi kéo dài 8 ngày này sẽ bắt đầu từ Delhi và sẽ bao gồm các điểm đến như Bồ đề Đạo tràng, Rajgir & Nalanda, Varanasi, Lâm Tì Ni, Kushinagar, Sravasti, Agra.
(ET Now News – January 12, 2020)
Biểu trưng của Tổng công ty Du lịch và Cung ứng Đường sắt Ấn Độ ( IRCTC)
Photo: Google
TÍCH LAN: Gia đình người Anh trả tượng Phật gia truyền lại cho Tích Lan sau 100 năm
Một pho tượng Phật từ một địa điểm tôn giáo quan trọng đã được trả lại cho Tích Lan, 100 năm sau khi tượng này được tặng cho HCP Bell, một công chức và là Ủy viên khảo cổ Anh đầu tiên tại Tích Lan.
HCP Bell được tặng pho tượng nói trên trong chuyến thăm Chùa Xá lợi Răng Phật tại Kandy vào thế kỷ thứ 19, khi ông đang làm việc tại Tích Lan.Sau đó các thành viên của gia đình Bell đã truyền lại pho tượng này qua các thế hệ.
Mục sư Kenneth Bell, cháu trai của HCP Bell, và con gái là Fiona Davis đã đi từ nhà của họ ở Overton, Hampshire để đưa pho tượng trở về nhà của mình bên trong Chùa Răng ở Kandy.
(adaderana.lk – January 16, 2020)
HCP Bell
Mục sư Kenneth Bell
Pho tượng được trả về với Chùa Xá lợi Răng Phật tại Kandy, Tích Lan
Photos: wikipedia.org & facebook.com
HOA KỲ: Chương trình Phật giáo Dấn thân Thích Nhất Hạnh được tài trợ 500,000 đô la
Quỹ Henry Luce đã trao một khoản tài trợ trị giá 500,000 đô la cho Chương trình Phật giáo Dấn thân Thích Nhất Hạnh tại Chủng viện Liên hiệp Thần học (UTS) ở thành phố New York. Khoản tài trợ này là để “ủng hộ sự phát triển các mô hình mới về dạy và học, nghiên cứu và xuất bản, phát triển kỹ năng lãnh đạo và thiết kế chương trình giáo dục”.
Mục sư Kosen Greg Snyder, giám đốc cao cấp và là trợ lý giám đốc về nghiên cứu Phật giáo tại UTS, nói: “Chúng tôi rất biết ơn Luce về sự tài trợ của họ. Việc chia sẻ hiểu biết của họ về tầm quan trọng của sự tham gia liên tôn giáo tại Liên hiệp này là rất đáng khích lệ”.
Được thành lập bởi ông trùm tạp chí người Mỹ Henry R. Luce, Quỹ Henry Luce đâu tư vào kiến thức công chúng. Quỹ này đã trao tổng cộng 8,955,000 đô la cho 28 tổ chức, bao gồm khoản tài trợ cho UTS.
(Big News Network – January 15, 2020)
Chủng viện Liên hiệp Thần học (UTS) ở thành phố New York, Hoa Kỳ
Photo: David Merrett
HÀN QUỐC: Chủ tịch Tông phái Tào Khê đề nghị tổ chức lễ vì hòa bình liên Triều tại Bàn Môn Điếm
Seoul, Hàn Quốc – Nhà lãnh đạo giáo phái Phật giáo lớn nhất của Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức một buổi lễ bao gồm cả các cộng đồng tôn giáo và thế tục tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nhân danh nền hòa bình liên Triều và chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Tại Hội trường Tưởng niệm Lịch sử và Văn hóa Phật giáo ở Seoul vào ngày 15-1-2020, Hòa thượng Wonhaeng, chủ tịch Tông phái Phật giáo Tào Khê đã vạch ra một kế hoạch như vậy trong bài phát biểu Năm Mới của ông.
Ông cũng đề xuất các nỗ lực hợp tác để khôi phục cả hai ngôi chùa Jangan và Yujom của Bắc Hàn, vốn cùng bị phá hủy trong Chiến tranh Triều Tiên.
(HANKYORE – January 16, 2020)
Hòa thượng Wonhaeng, chủ tịch Tông phái Phật giáo Tào Khê
của Hàn Quốc
Photo: HANKYORE
NHẬT BẢN: Diễn tập cứu hỏa tại đền thờ Di sản Thế giới của Phật giáo ở Nara
Ngày 20-1-2020, một cuộc diễn tập cứu hỏa đã được tổ chức tại ngôi đền Di sản Thế giới Yakushiji ở thành phố Nara, sau trận hỏa hoạn khiến Lâu đài Shuri ở Okinawa bị phá hủy vào năm ngoái.
Trước Ngày Phòng cháy chữa cháy Tài sản Văn hóa của đất nước (26-1), khoảng 100 tu sĩ Phật giáo của đền Yakushiji và lính cứu hỏa đã kiểm tra các thủ tục để đưa tài sản văn hóa và người bị thương đến nơi an toàn - theo giả định rằng một đám cháy bùng phát tại chánh điện Kondo của ngôi đền này.một tượng Phật giả đã được sử dụng trong cuộc diễn tập.
Sự kiện này diễn ra trước khi đền Yakushiji hoàn thành dự án 9-năm sửa chữa Chùa Đông (Toto), công trình kiến trúc ban đầu duy nhất còn sót lại từ thế kỷ thứ 8 của ngôi đền.
Hàng năm, các cuộc diễn tập cứu hỏa được tổ chức tại các địa điểm di sản văn hóa trên cả nước vào khoảng ngày 26-1.
(Kyodo News – January 20, 2020)
Diễn tập cứu hỏa tại ngôi đền Phật giáo Di sản Thế giới Yakushiji ở Nara, Nhật Bản
Photos: Kyodo
ANH QUỐC: Di sản văn bản Phật giáo sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thư viện Anh Quốc
Luân Đôn, Anh Quốc - Vào ngày 7 và 8-2-2020, Thư viện Anh Quốc sẽ tổ chức hội nghị “Mở khóa Di sản Văn bản Phật giáo” để xem xét một loạt các bản thảo và văn bản từ lịch sử Phật giáo – từ các cuốn sách Thái Lan được chiếu sáng nhiều màu cho đến các văn bản y học Phật giáo được tìm thấy dọc theo các tuyến đường thương mại của Con đường Tơ lụa cổ đại.
Thư viện Anh Quốc tọa lạc tại Luân Đôn và Đại học Luân Đôn sẽ tổ chức hội nghị này, với sự tham dự của các học giả lớn của Anh, cùng với một người đến từ Vienna, Áo và một người khác từ Boston, Mỹ.
Hội nghị được tổ chức cùng với cuộc triển lãm lớn về Phật giáo của thư viện, mở cửa cho đến ngày 23-2-2020. Trọng tâm của triển lãm là các bản thảo và tác phẩm nghệ thuật của Phật giáo, bao gồm các cuộn sách đầy màu sắc, đồ tạo tác thủ công và sách từ 20 quốc gia khác nhau.
(Buddhistdoor Global – January 21, 2020)
Thư viện Anh Quốc
Văn bản Phật giáo tại Thư viện Anh Quốc
Photos: bl.uk
ẤN ĐỘ: Khandro Tashi Chotso đăng quang như là tái sinh của Khandro Kunzang Chodron
Ngày 19-1-2020 tại tu viện Phật giáo Ewam ở Silguri (bang Tây Bengal của Ấn Độ), cô Khandro Tashi Chotso đã đăng quang là tái sinh của Khandro Kunzang Chodron.
Lễ đăng quang của Khandro Tashi Chotso do yêu cầu của Lạt ma Sokpo từ Tu viện Domang – một nhánh của Tu viện Palyul ở Drago Dzong trong vùng Dokham Trehor của miền đông Tây Tạng.
Cô Khandro Tashi Chotso sinh tại Yuksom, miền tây bang Sikkim, Ấn Độ. Ông bác của cô là Ngài Domang Yangthang Tulku Rinpoche (1929-2016), một Lạt ma Nyingma rất được kính trọng từng tu học tại Tu viện Domang.
Cách đây nhiều năm, Khandro Tashi Chotso đã được công nhận là tái sinh của Khandro Kunzang Chodron (được xem là một sự phát xuất của Vajravarahi - Kim Cương Hợi Mẫu) bởi Lạt ma Akhyuk Rinpoche (1927-2011). Akhyuk Rinpoche là người sáng lập Tu viện Yarchen Gar ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), là một trong những thiền sư nổi tiếng nhất của Tây Tạng thời gian gần đây.
(Buddhistdoor Global – January 22, 2020)
Khandro Tashi Chotso trong lễ đăng quang
Khandro Tashi Chotso và ông bác của cô là Ngài Domang Yangthang Tulku Rinpoche (1929-2016), một Lạt ma Nyingma rất được kính trọng
Photos: Facebook
CAM BỐT: Học viện Phật giáo kỷ niệm 90 năm thành lập
Ngày 21-1-2020, hơn 100 Phật tử và tu sĩ đã kỷ niệm 90 năm thành lập Học viện Phật giáo và ôn lại những thành tựu của viện.
Phật Học viện này được thành lập vào tháng 1-1930 nhưng bị chế độ Khmer Đỏ đóng cửa vào năm 1975. Vào năm 1992 Học viên đã mở cửa lại khi Quốc hội phê chuẩn luật thành lập Bộ Giáo phái và Tôn giáo.
Kể từ khi được tái hoạt động, Phật Học viện đã cố gắng hết sức để tăng cường vai trò truyền bá Phật giáo của mình trong Vương quốc Cam Bốt.
Từ năm 1992 đến nay, hoạt động của Viện đang được chính phủ Nhật Bản và Đức tài trợ.
Vào năm 1995, tòa nhà mới của Viện đã được khánh thành tại quận Daun Penh của Phnom Penh. Nơi đây có hàng ngàn sách và tài liệu về Phật giáo và văn hóa Khmer cho công chúng đọc.
(Khmer Times – January 22, 2020)
Chư tăng của Học viện Phật giáo Cam Bốt
Photo: KT/Siv Channa
HÀN QUỐC: Viện Bảo tàng mới trưng bày những bí ẩn Phật giáo thuộc vương quốc Baekje (Bách Tế) của Triều Tiên
Tại Hàn Quốc một viện bảo tàng mới, Bảo tàng Quốc gia Iksan, đã mở cửa vào tháng này. Bảo tàng mang đến cho khách tham quan cái nhìn hiếm có về lịch sử Phật giáo của vương quốc Baekje cổ đại (vốn từng hưng thịnh từ thế kỷ 18 BC đến năm 660 AD), và cơ hội để xem một bộ sưu tập đồ sộ gồm các hiện vật quan trọng từ mối quan hệ lâu dài và sâu sắc của Triều Tiên với Phật giáo.
Nằm trong khuôn viên của khu đền chùa Mireuska cổ xưa ở phía nam tỉnh Bắc Jeolla, Bảo tàng Quốc gia Iksan lưu giữ một bộ sưu tập gồm hơn 23,000 di vật Phật giáo được khai quật từ xung quanh đền Mireuksa và có niên đại từ thời vương quốc Baekje. Nhiều hiện vật trong số này hiện đang được trưng bày lần đầu tiên.
Tại phòng triển lãm đặc biệt của bảo tàng này (chỉ mở cửa đến ngày 29-3), có trưng bày 15 thánh tích xá lợi được tìm thấy trong các chùa chiền Phật giáo trên khắp Hàn Quốc, trong đó có một số được liệt kê là bảo vật quốc gia.
(Buddhistdoor Global – January 24, 2020)
Xá lợi và các di vật khác được tìm thấy bên trong ngôi chùa đá tại đền Mireuksa
Photo: koreaherald.com
ÚC ĐẠI LỢI: Cháy rừng tiếp tục tác động đến các cộng đồng Phật giáo
Tại Úc Đại lợi, các vụ cháy rừng tiếp tục đe dọa các trung tâm Phật giáo. Tại bang New South Wales trong những tuần gần đây, Lâm Viện Santi ở Bundanoon và Chùa Phật Pháp ở Công viên Quốc gia Dharug cách đó khoảng 130 dặm về phía bắc đã bị thiệt hại trong các vụ cháy, khiến hơn 6.3 triệu hecta đất bị tàn phá.
Bây giờ chư tăng tại Tu viện Sunnataram, cũng ở Bundanoon, đã được di tản. Và trong khi các sư cầu nguyện cho mức độ thiệt hại ít nhất có thể, họ đang đối mặt với những mất mát của mình bằng tâm xả. “Cháy rừng là bình thường tại vùng đất hoang đầy bụi rậm của Úc,” sư trụ trì Phra Mana nói. “Miễn là niềm tin và nhân tâm của chúng ta vẫn mạnh mẽ, chúng ta sẵn sàng đối mặt với nó”.
(tricycle.org – January 25, 2020)
Một nhà sư dập lửa tại Tu viện Sunnataram ở Bundanoon (bang News South Wales, Úc Đại Lợi)
Photo: Tu viện Sunnataram
PAKISTAN: Nhật Bản đề nghị giúp bảo tồn các di tích Phật giáo của Pakistan
Taxila, Pakistan – Trong chuyến thăm Bảo tàng Taxila và các di tích Phật giáo cổ đại tại Taxila vào ngày 25-1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kanasugi Kenji đã đề nghị trợ giúp kỹ thuật cho Pakistan để bảo tồn, phục hồi và bảo vệ các Phật tích cổ của đất nước này.
Ông nói Pakistan và Nhật Bản có mối quan hệ văn hóa hàng thế kỷ vì Phật giáo phát triển mạnh ở Nhật Bản do du nhập từ vùng đất nơi Pakistan ngày nay tọa lạc. Hình thức nghệ thuật Gandhara nổi tiếng thực sự bắt nguồn tại Pakistan trước khi đến Nhật Bản, nơi nó được các nghệ sĩ địa phương đón nhận để giúp hình thành một mối quan hệ giữa 2 nước, ông nói.
Thứ trưởng Kanasugi Kenji nói chính phủ Nhật Bản đã cung cấp thiết bị trị giá hàng triệu rupees cho nghiên cứu khảo cổ, duy trì và nâng cấp các cơ sở cần thiết để bảo tồn di sản văn hóa ở Pakistan.
Ông cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục trợ giúp Pakistan để bảo vệ di sản văn hóa bao gồm bảo tàng Taxila, di sản khảo cổ và Phật giáo.
(Dawn – January 26, 2020)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kanasugi Kenji viếng một di tích cổ gần Taxila, Pakistan
Photo: Dawn