QUAN NIỆM SỬ HỌC
CỦA DUY THỨC
Người giảng: Pháp Sư PHÁP PHẢNG
Người dịch: THẮNG HOAN
(kỳ 6)
CHƯƠNG III
LỊCH SỬ PHẬT HỌC TRUNG QUỐC XEM DUY THỨC HỌC
B.- QUAN NIỆM KHÁI LƯỢC LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TỪ ĐỜI ĐƯỜNG TRỞ VỀ SAU:
Phật học Trung Quốc từ đời Đường trở về sau, bao quát tất cả gồm có bốn phái (Thiền, Tịnh, Giáo, Luật), hoặc năm phái (Thiền, Tịnh, Giáo, Luật, Mật ). Tăng chúng của đại đa số Tự Viện trong thời kỳ này chẳng tham thiền thì niệm Phật, chẳng niệm Phật thì tham thiền và vấn đề tông phái không ở trong phạm vi hứng thú của họ. Vấn đề Giáo Tông của thời nhà Đường thì bao gồm cả bốn Tông như: Thiên Đài (Thiên Thai), Hiền Thủ (Hoa Nghiêm), Tam Luận và Duy Thức. Còn hai Tông như: Câu Xá và Thành Thật của Tiểu Thừa thì cũng có công đức lớn trong việc cùng lúc thi đua nghiên cứu.
Từ thời nhà Tống trở về sau (gồm bốn triều đại: Tống, Nguyên, Minh, Thanh), Trung quốc giảng “Giáo Tông” đều sử dụng Thiên Đài Tông (Thiên Thai Tông) và Hiền Thủ Tông (Hoa Nghiêm Tông) làm chủ yếu. Nhưng Tam Luận Tông, Duy Thức Tông, Câu Xá Tông, v.v... thì không có người quan tâm đến. Riêng hai Tông Tam Luận và Duy Thức tại Hội Xương, đã bị pháp nạn của Võ Tông đời Đường hủy diệt hết những tài liệu chú sớ về điển tích. Đã không còn điển tích chân thật và lại không có nhân tài truyền thừa để phục hưng, hai Tông này trở nên mai một.
Mặt khác, Thiên Đài Tông và Hiền Thủ Tông thì chú trọng nơi giáo quán hơn, nghĩa là giáo lý đặt nặng nơi sự thực hành quán chiếu nhiều hơn. Trái lại, Tam Luận Tông và Duy Thức Tông thì chú trọng nơi giáo lý. Phương pháp quán hạnh của Thiên Đài Tông và Hiền Thủ Tông mặc dù không kinh điển nhưng còn có thể truyền thừa. Ở đây giáo lý của Tam Luận Tông và Duy Thức Tông nếu như không điển tích thì diệu lý khó liễu tri. Hơn nữa, học thuyết của hai Tông Thiên Đài và Hiền Thủ thì rất gần với tư tưởng của Lão Trang. Cho thấy, những vị sáng lập hai Tông Thiên Đài và Hiền Thủ đều căn cứ nơi tư tưởng phát triển của người Trung quốc, lẽ dĩ nhiên, sản phẩm tư tưởng dung hợp của Trung-Ấn dễ cho người Trung quốc tiếp nhận. Đã vậy, căn cứ nơi địa dư thành lập tông phái, hai Tông Thiên Đài và Hiền Thủ đều được xây dựng nơi Trung thổ. Còn hai Tông Tam Luận và Duy Thức đều phát nguồn từ Ấn Độ lại được mang vào Trung quốc trong lúc tư tưởng của người Trung quốc chưa tiếp nhận và dung hóa. Cho nên sau pháp nạn tại Hội Xương, một khi không còn điển tích và cũng không còn ai kế thừa, thành thử sở học của hai Tông này trở nên bị mai một luôn. Đặc biệt hơn hai Tông Thiên Đài và Hiền Thủ thì không giống tình thế như hai Tông Tam Luận và Duy Thức. “Giáo Học” của hai Tông này vẫn còn truyền thừa từ đời Triệu và đời Tống trở về sau.
Thiên Đài Tông thì dùng Kinh Pháp Hoa làm chủ yếu và Hiền Thủ Tông thì dùng Kinh Hoa Nghiêm làm chủ yếu. Trong khoảng thời gian từ đời Tống cho đến cuối đời Thanh và đầu Dân Quốc, người Trung quốc nghiên cứu Phật Học, ngoại trừ hai Tông Tịnh Độ và Thiền, đều học tập giáo nghĩa các tông phái, nhất là 19 nhân vật nghiên cứu Thiên Đài Tông và Hiền Thủ Tông. Đáng chú ý nhất, ngoài hai loại Kinh chủ yếu là Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm, người của hai Tông Thiên Đài và Hiền Thủ đều giảng giải các Kinh khác như: Kinh Niết Bàn, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Duy Ma, Kinh Viên Giác, Kinh Kim Cang, Kinh Phạm Võng, Kinh Di Đà, Luật Tứ Phần, v.v... Họ lại còn trình bày điển tích tông yếu về giáo nghi (nghi thức giáo lý) của bốn phái (Thiền, Tịnh, Giáo, Luật) hoặc giáo nghi của năm phái (Thiền, Tịnh, Giáo, Luật, Mật). Nếu như trừ những kinh điển này ra, họ đâu còn có chi để giảng giải và văn chương giảng giải những kinh điển trên của họ đều có khắc bản để lưu lại. Những tự viện của Giáo Tông sở dĩ gọi là Giảng Tự nhằm để phân biệt với Thiền Tự và Luật Tự. Giảng Tự nghĩa là những cơ sở mà Giáo Tông thường sử dụng để giảng thuyết những kinh giáo.
Đề cập đến Tam Luận Tông và Duy Thức Tông tại Trung quốc, mãi đến đầu năm Dân Quốc, hai Tông này mới được hồi sinh. Những kinh luận chú sớ về hai Tông này cũng được mang từ Nhật Bản về Trung quốc làm tài liệu nghiên cứu. Nhờ đó các học giả danh tiếng của Trung quốc mới đổ xô nghiên cứu đến. Sự phục hưng của hai Tông Tam Luận và Duy Thức tại Trung quốc không ngoài 340 năm gần đây mà thôi!
Kinh căn bản của Duy Thức Học gồm sáu loại, nhưng trong đó Kinh Giải Thâm Mật là quan trọng nhất. Kinh này căn cứ nơi năm Pháp, ba Tự Tánh, tám Thức và hai Vô Ngã làm tông yếu. Riêng Tam Luận Tông thì gồm có những bộ luận căn bản như: Trung Luận, Bách Luận, Thập Nhị Môn Luận, v.v... Hơn nữa Tông này lại còn tham khảo thêm Đại Trí Độ Luận để bổ sung giáo nghĩa, thường gọi là Tứ Luận. Tam Luận Tông thì căn cứ trên nghĩa Không sâu thẩm của Kinh Bát Nhã làm tông yếu.
Ngoài bốn tông phái như: Thiền, Tịnh, Giáo, Luật đã được nêu ở trước, Trung Quốc còn có thêm một tông phái nữa là Mật Tông. Mật Tông thì chuyên nghiên cứu giáo lý bí mật. Tông này thường y cứ theo các Kinh như: Kinh Đại Nhật, Kinh Tô Tất Địa, Kinh Kim Cang Đỉnh làm tông yếu. Mật Tông có hai đại bộ môn: Giáo Tướng và Sự Tướng. Giáo Tướng nghĩa là căn cứ nơi sự tướng của Tông này để nghiên cứu giáo lý. Sự Tướng của tông này là kiến lập Đàn Tràng để tu trì tất cả nghi thức của Tam Mật. Tất cả nghi thức đều là tượng trưng chân lý vạn hữu của giáo tướng giải thích. Mật Tông rất thạnh hành trong thời đại nhà Đường cũng như nhà Tống và sau đó thì mất chân truyền.
Người đời Đường đã chú sớ tất cả nghi thức Bí Bổn của Mật Tông và những nghi thức này đều bị thất truyền từ nơi Nhật Bản. Do đó, sở học của Mật Tông nơi Trung Quốc khởi đầu từ nhà Thanh và nhà Minh cho đến sau này đều bị mai một luôn. Tông này chỉ còn lưu lại nghi thức Du Già Diễm Khẩu và Mông Sơn Thí Thực, v.v... để cho các sư ứng phó biểu diễn hát xướng. Mật Tông cũng thuộc về “Giáo Tông”, nguyên vì chủ yếu của Tông này là chú trọng sự thông đạt nơi Giáo Tướng. Nhưng Giáo Tướng không rõ ràng thì Sự Tướng không thể truyền thọ. Vả lại, vấn đề truyền thừa cách tu trì sủa Sự Tướng lại chú trọng vị sư thừa kế và miệng của vị sư đó trực tiếp trao truyền giáo chỉ. Đây cũng là pháp môn hành trì và pháp môn này do người tu chứng chỉ huy.
Từ đây trở về trước, tám tông phái đại thừa như: Thiền, Tịnh, Luật, Mật , Thiên Đài, Hiền Thủ, Tam Luận, Duy Thức đã được trình bày qua và ngoài tám tông phái đây, Phật Học Trung quốc còn có hai học phái nữa là Câu Xá Tông và Thành Thật Tông. Kể từ đời Đường cho đến sau này, Phật Giáo Trung quốc bình thường không thấy ai bàn đến hai tông phái trên. Tại bởi Câu Xá và Thành Thật là hai tông phái của Tiểu Thừa và cũng thuộc về “Giáo Tông”. Các giới Phật Học Trung quốc từ xưa đến nay đều thiên trọng về Đại Thừa và quan niệm khinh thường Tiểu Thừa. Đây là sự ngộ nhận sai lầm. Ngày nay chúng ta cũng nên bỏ đi quan niệm sai lầm đó. Đúng hơn Phật Giáo Tiểu Thừa mới thật sự là Phật Giáo căn bản của nguyên thỉ. Giáo nghĩa của Phật Giáo này mới chính thật nơi miệng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân nói ra. Thế nên giáo nghĩa của hai tông Câu Xá và Thành Thật một lần nữa cũng xin được chiếu cố để tường thuật lại một cách tỉ mỉ hơn.
Hai Tông phái Tiểu Thừa và tám Tông phái Đại Thừa cộng chung lại thành mười Tông phái của Phật Giáo Trung quốc. So sánh với Học phái Duy Thức, mười Tông phái nói trên có quan hệ mật thiết như thế nào? Lẽ dĩ nhiên trên tinh thần dung thông và hỗ trợ lẫn nhau của Phật giáo, Học phái Duy Thức nhất định quan hệ mật thiết với mười Tông phái nói trên, nhưng không phải quan hệ nhau với tánh cách đối lập như nước và lửa. Huống chi Học phái Duy Thức là nguồn suối tư tưởng học thuyết của những Tông Phái nói trên và cũng là căn nguyên của Phật nói. Người nghiên cứu Phật Học cũng nên đặc biệt chú ý đến sự kiến giải của Học phái Duy Thức. Người nghiên cứu không nên khư khư giữ nếp cũ, phân ngành, định loại và cũng không nên đóng khung sự quan hệ, bài xích sự hỗ tương, phân loại sông ngòi để uống nước. Chúng ta nên biết rằng đạo lý lượng nước sông ngòi tuy khác nhau trạng thái, nhưng chung quy đều chảy về biển cả. Nếu hiểu rõ điểm này, chúng ta nhận biết giữa các Tông phái Phật Học Trung quốc đều có sự hỗ trợ lẫn nhau để thành lập, hỗ trợ lẫn nhau để phát minh và hỗ trợ một cách bình đẳng không có vấn đề cao thấp (tôi không tán thành tác phong phán giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa vừa kể). Học phái Duy Thức chính là một trong tất cả Phật Pháp, lẽ tự nhiên cũng rất quan hệ mật thiết với mười Tông phái nói trên.
(còn tiếp)