XA CHÙA XA BẠN XA THẦY
NHƯ CHIM XA TỔ NHƯ CÂY XA RỪNG
Tịnh Minh soạn dịch từ Pháp Thoại Pháp Cú
Thuở xưa, vì sự ràng buộc, bức bách của ba dòng tư tưởng độc hại tham, sân, si nên Trưởng lão Mê-ghi-da (Meghiya) không thể tiếp tục tu tập hành thiền trong khu rừng xoài mà phải trở về gặp Đức Thế Tôn để giải bày tâm sự. Vừa thấy Thế Tôn ngồi giữa đại chúng, Trưởng lão Mê-ghi-da liền ngỏ lời chào hỏi, cung kính đảnh lễ Ngài và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, con xin sám hối về cái tội đã không nghe lời khuyên răn của Đức Thế Tôn, đã tự ý vào rừng tịnh tâm tu niệm. Nhưng, bạch Thế Tôn, tu tập một mình, xa cách đồng môn pháp lữ quả thật vô cùng khó khăn. Cái cảm giác cô đơn trống vắng cứ vang dội trong tim, trong óc con; nhất là từ khi xa Đức Thế Tôn, không biết sao tâm ý con cứ chập chờn loạn động, thoạt đến thoạt đi, lăng nhăng lít nhít, không sao tĩnh tâm, định ý được; ngay trong giấc ngủ con cũng không cảm thấy an lành, cái tâm quả thật đáng sợ, khó bề nhiếp phục làm sao!
Đức Thế Tôn mỉm cười, nói:
- Vậy đó! Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Tôi khuyên thầy ở lại tu tập với tôi một thời gian, chờ thầy khác đến rồi thầy hãy đi, vậy mà thầy nỡ để tôi một mình một bóng nơi đây. Tỳ-kheo không được tự ý bỏ Thầy ra đi trong khi Thầy yêu cầu mình ở lại. Thầy đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng đó, Mê-ghi-da! Hơn nữa, như thầy biết đấy, trên bước đường tu tập, không phải Tỳ-kheo nào cũng cảm thấy dễ dàng trong việc điều phục thân tâm, bởi vì tâm ý con người luôn luôn thay đổi, hiện khởi liên tục như những đợt sóng cuồn cuộn trên mặt đại dương. Nếu không thân cận với các bậc thiện hữu tri thức, tôn đức minh sư thì khó mà hộ trì nhiếp phục, thúc liễm vọng tâm lắm Mê-ghi-da à!
Ngài đọc kệ:
Tâm dao động bất thường,
Khó hộ trì nhiếp phục,
Người trí điều tâm phúc,
Như thợ tên uốn tên.
Như cá vớt khỏi nước,
Quăng trên bờ vực khô,
Tâm lo sợ vùng vẫy,
Vượt thoát cảnh ma đồ.
(PC. 33, 34)
Vừa nghe Đức Thế Tôn đọc kệ xong thì Trưởng lão Mê-ghi-da liền chứng quả Tu-đà-hoàn, một số Sa-môn khác chứng quả Tư-đà-hàm và A-na-hàm. Tất cả đều lâng lâng hỷ lạc, đứng lên niệm danh hiệu Đức Bổn Sư và đảnh lễ Ngài ba lần. Sư đệ nhìn nhau bằng ánh mắt thân thương với nụ cười nồng ấm như ánh nắng ban mai sưởi ấm rừng núi đông phương.