Thư tòa soạn số 28

 

(tháng 03.2014)

 

 

 

TRẦM TƯ BÊN SÔNG

 

 

 

Những cơn mưa lớn chợt đến rồi chợt dứt, nhưng kéo dài suốt hai ngày như một cuộc tẩy trần lớn, khiến xe cộ đậu ngoài đường sạch loáng, và lá cây trong vùng cơ hồ xanh mướt thêm lên giữa màn trời mờ đục. Mưa đã tạnh mà nước vẫn không ngừng tuôn chảy dọc theo lề đường. Lượng nước quá lớn không kịp rút hết, đọng thành vũng, tràn lên lối đi. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe dè dặt lướt qua, xé làn nước thành hai cột sóng tung toé. Khách bộ hành lần lượt rời những chỗ trú mưa; có người băng nhanh ra chỗ đậu xe, có người tiếp tục vội bước trên đường, cũng có người chần chừ đứng lại bên bờ sông, dưới những mái hiên của các cao ốc, hoặc nơi trạm xe buýt. Mọi người hầu như đều im lặng. Chỉ nghe tiếng gió rít trên những cành cây cao, và tiếng nước rơi từ các máng xối đâu đó chung quanh. Trên sông không một bóng thuyền. Những chiếc ca-nô lớn nhỏ đã cập bến và được neo lại từ những ngày trước, khi có dự báo mưa bão. Mặt sông gợn sóng làm cho những thuyền bè chòng chành theo nhịp. Một vài chiếc xuồng và ghe câu nhỏ được lật úp, máng trên các giàn gỗ dọc theo bờ.

 

Khi sử dụng xe cộ, thuyền bè, ai cũng biết chúng đều là phương tiện. Lớn-nhỏ, tốt-xấu, đắt-rẻ, mới-cũ, đều là để chuyên chở, đi-lại. Quan trọng là các phương tiện ấy đưa đến bến bờ nào. Đời sống thế tục có muôn vàn bến bờ, muôn vàn mục đích. Nhưng trong nẻo đạo, chỉ có một bến bờ duy nhất là giải thoát, giác ngộ. Nếu bờ bên kia chỉ là bờ của quyền lợi, quyền lực, hay danh vọng thì cả mục đích lẫn phương tiện đều sai lầm, hư dối.

Ngay cả khi đã chọn được một phương tiện tối hảo, không hẳn là phương tiện ấy sẽ đưa người ta cập được bến bờ như ý. Sở thích, cảm giác cá nhân hoặc định hướng sai lệch của hoa tiêu có thể làm thay đổi lộ trình. Sương mù có thể làm cho thuyền mất hướng. Mưa bão có thể làm cho thuyền phải cấp thời cập vào một bến bờ nào đó không phải là nơi chốn nhắm tới từ ban đầu.

Trong kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, đức Phật dạy: “Pháp ta nói chỉ như chiếc thuyền. Pháp còn phải xả, huống gì phi-pháp.” Lời dạy cô đọng trong một tỷ dụ, mà hình ảnh thì rất đơn giản; ai cũng có thể hiểu, có thể suy diễn, nói rộng. Nhưng “xả” như thế nào, và “xả” cái gì, lại là nan đề không phải chỉ tổn hao giấy mực và ngôn thuyết, mà chính là phải vận dụng trí tuệ và công phu thực hành trong một đời, hay nhiều đời, để thâm nhập.

Hãy cùng chiêm nghiệm ý nghĩa và thái độ “xả” ấy bằng cách nói khác, cũng trong kinh Kim Cang, đó là “ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.” Đừng trụ tâm, đừng để tâm vướng mắc, bám víu vào bất kỳ nơi chốn, thời điểm, khoảnh khắc hiện tiền, trạng thái khinh an, giai đoạn hỷ lạc, bờ bến tối hậu, tuyệt cùng… nào. Hoặc trong Bát Nhã Tâm Kinh, “Gate, gate, paragate, parasamgate…” Vượt qua, lại vượt qua, vượt qua cả sự vượt qua, vượt qua một cách rốt ráo (tất cả sự vượt qua)…

Chỉ bằng cách ấy mới có thể đến được bờ bên kia. Đáo bỉ ngạn. Đến, mà thực ra là chẳng đến. Đó mới thực là đến.

 

Mưa ngừng rơi nhưng gió vẫn tiếp tục thốc qua từng cơn làm rung cả những cành cây cao. Có vẻ như là những đám mây đen vần vũ suốt ngày đã bị gió cuốn đi, để lộ nửa vòm trời ửng bóng hoàng hôn. Gió giảm dần. Cầu vồng bắc một nhịp tráng lệ hư ảo ở phía tây của mặt sông lấp lóa nắng chiều. Đâu đó vẫn còn tiếng nước chảy róc rách. Xe cộ đã qua lại không ngớt trên đường. Và quang cảnh bên sông trở lại nhịp sống bình thường của một chiều đầu xuân.

 

 

 

 


Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 10/27/14